Làm gì để Việt Nam có thêm tỉ phú USD?

Bình luận · 108 Lượt xem

'Cần coi các doanh nghiệp lớn là tài sản quốc gia chứ không nên nghĩ doanh nghiệp đó thuộc sở hữu của một cá nhân' là ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc - ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chủ tịch Trung tâm trọng tà

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết 66 ngày 9-5-2024 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết 41 ngày 10-10-2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 cả nước có 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỉ phú USD của thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á và một số chỉ tiêu khác.

Trong khi đó, năm 2024 Việt Nam có 6 tỉ phú USD đang sở hữu các tập đoàn tư nhân kinh doanh bất động sản, sản xuất, lắp ráp ô tô, kinh doanh hàng không, sản xuất thép, ngân hàng, khai khoáng và bán lẻ.

Tuổi Trẻ đã trao đổi cùng ông Vũ Tiến Lộc - ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), chi tiết hơn về mục tiêu này và các điều kiện cần có để hiện thực hóa mục tiêu.

Doanh nghiệp lớn là tài sản quốc gia

 Thưa ông, từ mục tiêu của Chính phủ, chúng ta cần làm gì để cụ thể hóa mục tiêu này?

- Có thể thấy để hình thành các tập đoàn kinh tế lớn, đủ mạnh, có tầm ảnh hưởng trong nước và vươn ra khu vực, thế giới thì tạo môi trường kinh doanh thuận lợi là chưa đủ.

Vấn đề hàng đầu với doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp quy mô lớn, hiện nay là kinh doanh an toàn và thuận lợi. Trước đây chúng ta chỉ nói đến sự thuận lợi trong kinh doanh, nhưng hiện nay cần nhấn mạnh yếu tố kinh doanh an toàn và niềm tin kinh doanh.

Doanh nghiệp quy mô lớn trong nền kinh tế không chỉ thuộc chủ sở hữu doanh nghiệp mà mỗi doanh nghiệp là một tế bào của nền kinh tế đất nước. Chính vì vậy phải tạo môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi cho họ dựa trên tinh thần "đối tác công tư".

Thực tế, nhiều lĩnh vực có tính đột phá như phát triển ngành công nghiệp ô tô thì một mình Nhà nước không làm được, cần cộng tác với các tập đoàn tư nhân lớn để thực hiện. Nhà nước cần chung tay hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thông qua các chính sách hỗ trợ về hạ tầng, hỗ trợ nghiên cứu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng quản trị.

Các tập đoàn tư nhân khi có quy mô đủ lớn có tính chất xã hội rất cao, liên quan đến nguồn thu ngân sách, khai thác tài nguyên, môi trường, việc làm trong xã hội và sự phát triển của một ngành công nghiệp, nên việc Nhà nước chung tay với doanh nghiệp và bảo đảm cho họ kinh doanh bài bản, an toàn là rất quan trọng.

Tất nhiên, việc giám sát của Nhà nước không được can thiệp khiến doanh nghiệp mất quyền tự chủ, mất tính sáng tạo trong kinh doanh.

Cùng hướng vào chất lượng doanh nghiệp

* Vậy đâu sẽ là những lĩnh vực có thể xuất hiện các tỉ phú USD tiếp theo của Việt Nam những năm tới, thưa ông?

- Việt Nam nằm trong xu hướng chung của cả thế giới, những năm tới sẽ xuất hiện thêm các tỉ phú USD trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghệ mới.

Chúng ta có nhiều lợi thế như phát triển công nghiệp chế biến gắn với nông nghiệp công nghệ cao, phát triển lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... Tuy nhiên, để có được các tỉ phú USD, Chính phủ cần có những chính sách yểm trợ, hỗ trợ, khuyến khích đội ngũ doanh nhân dân tộc đầu tư, sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực này.

Việc phát triển các tập đoàn kinh tế lớn đứng đầu chuỗi sản xuất, cung ứng hiện cũng rất khác, cần có sự liên kết giữa các tập đoàn lớn với số đông doanh nghiệp vừa và nhỏ để thiết lập các chuỗi sản xuất, cung ứng do doanh nghiệp lớn trong nước đứng đầu chuỗi.

Những tỉ phú USD hàng đầu thế giới thường dẫn đầu, dẫn dắt phát triển trong các ngành, lĩnh vực về công nghiệp công nghệ của tương lai, kinh tế số.

Các tỉ phú Việt cũng đang cố gắng phát triển theo xu hướng này nhưng mới chỉ manh nha, vẫn nặng về gia công, lắp ráp, có liên quan tới đất đai, bất động sản, chưa đạt đến tầm dẫn dắt một ngành nghề phát triển. Vì vậy, ngoài quy mô doanh nghiệp tỉ USD, cần nhìn vào chất lượng doanh nghiệp.

* Và họ cần hỗ trợ gì từ Nhà nước, thưa ông?

- Việc phát triển các tập đoàn tư nhân lớn cũng cần có sự kiểm soát của Nhà nước để tránh hiện tượng đổ vỡ như thời gian qua. Một tập đoàn tư nhân quy mô đủ lớn dù là vốn tư nhân nhưng nó lại là doanh nghiệp xã hội, ảnh hưởng lớn tới xã hội. Cho nên Nhà nước cần đồng hành, cộng sinh cùng các tập đoàn lớn trên tinh thần đổi mới, sáng tạo.

Nhà nước cần mở đường, tạo thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp N trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển chứ một mình doanh nghiệp tư nhân không làm nổi, khó trở thành các tập đoàn quy mô lớn, dẫn dắt sự phát triển.

* Về việc Chính phủ đang đặt mục tiêu cả nước có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, mục tiêu này liệu có khả thi khi chúng ta mới có khoảng 920.000 doanh nghiệp?

- Mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 sẽ không thực hiện được nếu không sửa đổi Luật doanh nghiệp hiện nay. Tất cả các nước trên thế giới đều coi hộ kinh doanh có đăng ký là doanh nghiệp một chủ. Nhưng chúng ta không coi là doanh nghiệp mà gọi là hộ kinh doanh. Cả nước đang có gần 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký, đáng lẽ họ phải được coi là doanh nghiệp một chủ.

Chúng ta đang có khoảng 920.000 doanh nghiệp và trong 6 năm tới muốn đạt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp trong nền kinh tế phải sửa đổi Luật Doanh nghiệp theo hướng đưa hộ kinh doanh có đăng ký trở thành doanh nghiệp một chủ.

* Ông nhìn nhận thế nào về những đóng góp của các tỉ phú USD với nền kinh tế những năm qua?

- Tỉ phú USD là những cá nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu cả nước hiện nay như Vingroup, Vietjet, Hòa Phát, Masan, Thaco... Họ là những người tiên phong đưa ra sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu có đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đây cũng là bước đầu hình thành các ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam. Ngoài ra, đội ngũ doanh nhân có tài sản tỉ USD cũng tham gia rất tích cực vào các vấn đề xã hội như xóa đói giảm nghèo.

Các tập đoàn lớn thuộc sở hữu của các tỉ phú USD cũng đầu tư vào nhiều dự án chiến lược, tạo đột phá cho các địa phương, vùng. Điều này kéo theo sự phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nhiều địa phương. Vì thế, khi thu hút đầu tư, các địa phương thường tập trung vận động, thu hút các tập đoàn hàng đầu đến đầu tư để tạo ra các cực tăng trưởng.

Thực tế nhiều doanh nhân lớn luôn muốn làm điều gì cho đất nước chứ không đơn thuần là cá nhân. Họ không lo tích lũy tài sản cho mấy đời mà họ làm vì khát vọng bản thân để nâng tầm đất nước. Từ sự đổ vỡ của một số doanh nghiệp lớn có vi phạm pháp luật thời gian qua cho thấy cần đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nhân.

* Hiện có khoảng 98% doanh nghiệp trong nền kinh tế là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ và vừa, chỉ khoảng 2% doanh nghiệp có quy mô lớn. Chúng ta cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp tăng quy mô kinh doanh thời gian tới?

- Mục tiêu có doanh nghiệp, doanh nhân tỉ USD là cần thiết nhưng sức mạnh của nền kinh tế phải nằm ở số đông hàng trăm ngàn doanh nghiệpnhỏ và vừa.

Đặc biệt trong bối cảnh đổi mới sáng tạo, với thương mại điện tử, mạng Internet thì một doanh nghiệpnhỏ, một cá nhân khởi nghiệp cũng có thể tham gia mạng toàn cầu, có thể tiếp cận thị trường thế giới, đóng góp vào chuỗi cung ứng toàn cầu được. Thế nên bên cạnh việc tăng quy mô doanh nghiệp, việc nâng cao chất lượng doanh nghiệp rất quan trọng.

Chúng ta rất cần những doanh nghiệp quy mô lớn, quy mô vừa để kết nối kinh tế VN với kinh tế toàn cầu và trở thành những mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng việc nâng cấp các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ để họ tham gia được vào các chuỗi cung ứng toàn cầu rất quan trọng. Nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ nhưng hiệu quả lớn, cộng nhiều doanh nghiệp nhỏ như này lại sẽ có một nền kinh tế vận hành hiệu quả.

Sự sáng tạo trong kỷ nguyên Internet, thương mại điện tử là vô cùng lớn. Khi thị trường toàn cầu trở lên "nhỏ lại", các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa lớn lên hộ sẽ có tầm vóc khác hẳn. Thương mại điện tử, Internet chắp cánh cho những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trở thành lực lượng năng động nhất của nền kinh tế.

TS Võ Trí Thành (viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh):

Doanh nghiệp đang lớn cần hỗ trợ để đủ sức cạnh tranh quốc tế

TS Võ Trí Thành

TS Võ Trí Thành

Nghị quyết 41 ngày 10-10-2023 của Bộ Chính trị được cụ thể hóa bằng nghị quyết 66 tiếp tục khẳng định vai trò của doanh nhân, bất kể họ làm trong khu vực kinh tế nào.

Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần có cách thức thích hợp trong môi trường, thị trường hội nhập để phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp dẫn dắt.

Doanh nghiệp quy mô lớn Việt Nam hiện nay gọi là lớn nhưng chưa quá lớn, đủ mạnh.

Để có một doanh nghiệp đủ lớn, mạnh cần 3 yếu tố là năng lực sáng tạo công nghệ (còn rất hạn chế), thương hiệu không chỉ ở tầm quốc gia mà phải vươn tầm quốc tế, phải có tính dẫn dắt và lan tỏa.

Chúng ta thường gọi một doanh nghiệp lớn khi nhìn vào doanh số, vốn liếng, nguồn nhân lực, nhưng nếu đo bằng 3 yếu tố trên để khẳng định số doanh nghiệp thực sự lớn mạnh thì vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay và chưa thể dẫn dắt chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng nên chưa thực sự lớn mạnh.

Để các doanh nghiệp trong nước thực sự lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì có hai việc cần làm. Đó là phải tái cấu trúc doanh nghiệp , phát triển theo hướng hợp thời và đón đầu tương lai. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu cạnh tranh, phù hợp với cam kết quốc tế.

Nguyên tắc hỗ trợ là hỗ trợ "người thắng cuộc" thông qua cạnh tranh, chứ không chọn người thắng cuộc để hỗ trợ. Nếu chọn người thắng cuộc để hỗ trợ dễ tạo ra cánh hẩu nên cần thông qua cạnh tranh, doanh nghiệp nào thắng cuộc sẽ nhận được hỗ trợ để bứt lên.

Cũng phải nhìn nhận thực tế rằng số đông doanh nghiệp hiện có quy mô nhỏ và vừa nên cần môi trường kinh doanh thực sự tốt để họ phát triển kinh doanh, đây là cái nền để tạo ra những doanh nghiệp lớn. Điều này cũng liên quan đến tạo dựng những doanh nghiệp dẫn dắt để tạo sự lan tỏa tới khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua hệ sinh thái, chuỗi cung ứng.

Ngoài việc thu hút các doanh nghiệp FDI công nghệ cao, quy mô lớn đến đầu tư chúng ta cũng muốn phát triển những doanh nghiệp Việt, doanh nghiệp dân tộc dẫn dắt các chuỗi giá trị, số này đang rất ít và đang gặp nhiều thách thức.

Hiện có nhiều lĩnh vực mới có thể hình thành các doanh nghiệp dẫn dắt như bán dẫn, thiết bị y tế, công nghệ dược, chế biến chế tạo, cơ khí, sản xuất lắp ráp ô tô hay một số doanh nghiệp thượng nguồn như sản xuất thép...

Hiện đã có những doanh nghiệp đang lớn mạnh, có quy mô tỉ USD trong các ngành này cần được hỗ trợ để vươn lên, thực sự trở thành doanh nghiệp lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh quốc tế. Dư địa hỗ trợ cho các doanh nghiệp này rất lớn thông qua các biện pháp hỗ trợ về hạ tầng, phát triển AI..., theo nguyên tắc hỗ trợ người thắng cuộc.

Anh Minh Hoàng sạc ô tô điện tại TTTM Vincom Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Anh Minh Hoàng sạc ô tô điện tại TTTM Vincom Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

TS Nguyễn Minh Thảo (trưởng ban môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Phải có những tập đoàn thực sự mạnh, đủ sức dẫn dắt

TS Nguyễn Minh Thảo

TS Nguyễn Minh Thảo

Nhìn vào các tập đoàn kinh tế lớn thuộc sở hữu của các tỉ phú USD hiện nay, tôi cho rằng chúng ta cần tôn vinh những doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất. Bối cảnh Việt Nam hiện nay chỉ những doanh nghiệp sản xuất mới lan tỏa, dẫn dắt các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, sản xuất.

Những doanh nghiệp đi lên từ sản xuất sẽ tạo tính lan tỏa, dẫn dắt cao hơn, một số doanh nghiệp doanh nghiệp sau khi thành công với bất động sản cũng đang chuyển hướng đầu tư vào sản xuất.

Tất nhiên, một số tập đoàn mới dừng ở bước là một phần trong chuỗi sản xuất của các tập đoàn FDI, để tạo ra sự dẫn dắt lớn hơn các tập đoàn tư nhân trong nước này cần chủ động về công nghệ, thiết kế mới tạo sự dẫn dắt, tính lan tỏa lớn hơn.

Chính những doanh nghiệpđầu ngành này đang cần được Chính phủ hỗ trợ bằng những chính sách cụ thể để đẩy mạnh sản xuất, đầu tư nhiều hơn cho R&D. Khi các tập đoàn này sản xuất tốt thì sẽ hình thành nên những chuỗi sản xuất, dịch vụ khác.

Theo đó, chính sách về phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm thời gian tới cần hướng tới mục tiêu hỗ trợ nhóm doanh nghiệp đầu ngành, đạt quy mô nhất định, với những tiêu chí cụ thể trong những ngành Việt Nam có lợi thế để thúc đẩy sự hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng trong nước. Như vậy số lượng được hỗ trợ nhỏ, chính sách hỗ trợ sẽ đúng trọng tâm trọng điểm và đạt hiệu quả đề ra.

Bình luận