ảnh minh họa
Tại hội thả, ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM - kể ra 3 khó khăn lớn trong chuyển đổi số ngành giáo dục tại Việt Nam.
Thứ nhất, dù đã được nâng cấp nhưng vẫn còn sự chênh lệch giữa các khu vực, nhất là khu vực ngoại thành và vùng sâu, vùng xa.
Thứ hai, sự chấp nhận của công chúng, quan điểm của nhà quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh còn hạn chế.
Thứ ba, cần nhiều chính sách và chiến lược phát triển để đảm bảo chuyển đổi số phát triển đồng bộ và hiệu quả trên toàn quốc.
Một thực tế khác, nhiều người còn nhầm lẫn, cứ nghĩ dùng Powerpoint, máy chiếu giảng bài đã là chuyển đổi số. Ông Hồ Tấn Minh cho rằng, chúng ta cần phân biệt giữa chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo đó, công nghệ thông tin là một trong những quá trình chuyển đổi số, cung cấp các công nghệ cơ bản, trong khi chuyển đổi số đòi hỏi sự thay đổi toàn diện về tổ chức, quy trình, văn hóa và sự tham gia của con người trong quá trình thực hiện.
Dẫn một câu chuyện thực tế, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM cho hay mỗi lần học sinh đi du học phải mang quyển học bạ đi xác thực đủ nơi, đóng dấu đủ chỗ. Điều này tạo nên những trăn trở cho cấp quản lý.
Giờ đây, khi ứng dụng công nghệ thông tin vào hệ thống quản lý học tập, học bạ được đảm bảo trung thực, không sửa chữa. Ngoài điểm số, hệ thống quản lý còn có các dữ liệu tham gia, hành vi của người học.
Nhiều đơn vị đã tiến hành xây dựng kế hoạch dạy học theo một cách tiếp cận mới, kết hợp kết quả kiểm tra bằng điểm số với việc theo dõi hành vi đáp ứng yêu cầu, mục đích học tập của học sinh trong quá trình để cá nhân hóa tiến độ học tập và mở rộng phạm vi không gian, thời gian của lớp học truyền thống.
Chuyển đổi số giúp tạo ra môi trường học tập mới - nơi mà mọi thứ kết nối với nhau, thu hẹp khoảng cách địa lý để tạo ra trải nghiệm trong học tập, đồng thời tăng cường sự tương tác của mọi người.
Học sinh ở những khu vực còn khó khăn, thiếu giáo viên giảng dạy một số môn có thể được học bài giảng của thầy cô ở thành thị theo mô hình lớp học số, mang lại sự công bằng trong tiếp cận nội dung giáo dục có chất lượng của người học.
Ông Minh cũng chia sẻ sau 2 năm đại dịch Covid-19, bên cạnh khó khăn cũng bật lên điểm sáng khi giúp quá trình chuyển đổi số tiến nhanh hơn so với kế hoạch.
Ngành giáo dục thành phố đã xây dựng cơ sở dùng chung và trục liên thông dữ liệu được mở rộng giúp thống nhất dữ liệu toàn ngành. Song, cũng còn những khó khăn trong quá trình kết nối, sai sót dữ liệu.
"Dữ liệu phải được khai thác, chuẩn hóa và tái sử dụng để nó thực sự là tài sản lớn. Nếu không được tiếp tục chuẩn hóa, tái sử dụng hàng năm thì dữ liệu chỉ là dữ liệu mà thôi", ông Minh nhấn mạnh.
Để làm được điều này, chúng ta cần chuyển trọng tâm từ tổ chức sang người dạy và người học, tức chuyển từ việc mang lại giá trị cho cán bộ quản lý sang mang lại giá trị cho giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Nhiệm vụ khác là chuyển từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số dùng chung, tức chuyển từ việc sử dụng phần mềm để giải quyết công việc thành một môi trường làm việc (nền tảng số). Chuyển từ ứng dụng công nghệ sang chuyển đổi cách làm việc, tức tập trung chuyển đổi cách làm là chính, công nghệ số chỉ là phương tiện thực hiện.
ĐỐI ĐẦU VỚI THÁCH THỨC
Một giáo viên đang sử dụng Power point để giảng bài
Xác định rõ thuận lợi, khó khăn, nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục đến 2025 của ngành giáo dục TPHCM cần thực hiện là: Xây dựng hệ thống dạy học trực tuyến bất đồng bộ, cho phép người dùng học tập mọi lúc, mọi nơi; xây dựng kho tài nguyên học liệu mở, chia sẻ với các nền tảng dạy học trực tuyến và đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời cho người dân.
Cùng với đó, ngành xây dựng lộ trình cụ thể cả về chính sách lẫn công nghệ để có được dữ liệu lớn; chuẩn hóa dữ liệu; xây dựng các hệ thống phân tích, thống kê, báo cáo làm căn cứ để ra quyết định điều hành cho các cấp quản lý...
Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - nhận định Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đã tạo nên những sản phẩm đặc trưng của nền kinh tế số dựa trên dữ liệu lớn.
Tại TPHCM, nhiều hoạt động chuyển đổi số đã được triển khai như: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, những lớp học kết nối, đánh giá, theo dõi quá trình học tập của học sinh...
Công nghệ hiện đại giúp cho con người tiếp cận khối lượng tri thức khổng lồ, sáng tạo nội dung một cách nhanh chóng và dễ dàng nhưng cũng tạo ra những thách thức rất lớn.
Đó là khi AI ngày càng phổ biến trong môi trường giáo dục và được dự báo sẽ thay thế 80% công việc của con người trong vài năm tới. Vì vậy, giáo dục cần giúp cho học sinh phát triển được khả năng làm chủ công nghệ, sử dụng công nghệ một cách đúng đắn để phát huy những năng lực cá nhân khi tham gia vào xã hội số.
"Chuyển đổi số trong giáo dục cần được xem là một chiến lược dài hạn với những cải cách quyết liệt, triệt để. Tuy nhiên, công nghệ không phải yếu tố quan trọng nhất mà chính sự quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo cơ sở giáo dục; tư duy, nhận thức tiến bộ và sẵn sàng thay đổi của đội ngũ viên chức trong nhà trường; sự phối hợp và đồng thuận của cha mẹ học sinh", ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh.