Huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần: Kênh huy động vốn cần thiết cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Nguyễn Thị Bảo Ngọc, Văn Lê Thanh Thảo, Lưu Minh Sang Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

Huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần - ECF (Equity-based Crowdfunding) là một hình thức tài trợ vốn hiệu quả cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (DNKNST). Tại Việt Nam, hiện chưa có khung pháp lý điều chỉnh ECF dù nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ cho các DNKNST đã được đề ra. Bài viết hướng đến đề xuất công nhận tính pháp lý của ECF tại Việt Nam thông qua việc phân tích, đánh giá các vấn đề về: (i) bản chất, cách thức vận hành, vai trò của hoạt động ECF; (ii) cách tiếp cận trong việc điều chỉnh pháp luật đối với hoạt động này cũng như thực tiễn tại một số nước đã công nhận ECF; (iii) bối cảnh huy động vốn của DNKNST và những thách thức trong việc thực hiện hoạt động này tại Việt Nam.
ECF và sự phát triển của thị trường

ECF là một phương thức kêu gọi sự tài trợ vốn từ cộng đồng nhà đầu tư (NĐT) thông qua nền tảng trực tuyến để thực hiện các dự án. Dựa vào quyền lợi mà người góp vốn nhận được có thể chia gọi vốn cộng đồng thành bốn loại: (i) từ thiện (Donate); (ii) theo hình thức cổ phần (ECF); (iii) góp vốn cho vay (Lending); (iv) nhận quà tri ân (Reward-based).

Theo đó, ECF mang bản chất của hoạt động gọi vốn cộng đồng, là một quá trình mà doanh nghiệp huy động vốn (thường là các chủ dự án, DNKNST) kêu gọi và tiếp nhận vốn góp từ một số lượng lớn NĐT thông qua nền tảng trực tuyến. Với ECF, các NĐT cá nhân, NĐT tổ chức quy mô nhỏ có thể sở hữu cổ phần của một công ty hoặc dự án bằng cách đầu tư một khoản tiền nhỏ.

Trong những năm gần đây, hình thức huy động vốn này đang ngày càng trở nên phổ biến với quy mô toàn cầu. Năm 2020, hoạt động ECF toàn cầu huy động được 1,520 tỷ USD [1]. Tại Anh, Mỹ và Canada, thị trường ECF phát triển mạnh sau khi các quy định điều chỉnh hoạt động này được ban hành. Đơn cử, tại Mỹ và Canada, tổng số tiền huy động được thông qua mô hình này đạt 331,5 triệu USD vào năm 2020, con số này tại Anh là 549,3 triệu USD [1]. ECF đã hỗ trợ một số lượng lớn các doanh nghiệp hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, đồng thời tạo cơ hội cho các NĐT nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp đầu tư vào các doanh nghiệp với khoản tiền phù hợp khả năng tài chính của mình.

Vai trò của ECF

Đối với các DNKNST: Thứ nhất, ECF góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt vốn và cải thiện dòng tiền. Bởi lẽ ECF mang lại các nguồn tiếp cận vốn mới cho các DNKNST, từ đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp này có nhiều lựa chọn hơn trong việc huy động vốn [2]. Đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu khởi nghiệp hay còn gọi là giai đoạn gieo mầm (seed) và giai đoạn khởi sự (early-stage) cũng chính là lợi ích nổi bật của ECF so với các hình thức huy động vốn khác (chỉ phù hợp với công ty đã qua giai đoạn khởi sự, đã đạt được một số thành tựu trên thị trường)[3]. Ngoài ra, ECF không có bất kỳ giới hạn nào về lĩnh vực hoạt động của DNKNST, trong khi đối với phương thức quỹ đầu tư mạo hiểm, các NĐT mạo hiểm có xu hướng tập trung vào các công ty hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn của họ hoặc các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ như internet, phương tiện kỹ thuật số, năng lượng tái tạo… và có tiềm năng tăng trưởng nhanh [3].

Bên cạnh đó, ECF giúp giảm chi phí huy động vốn và tăng khả năng tiếp cận một số lượng rất lớn NĐT thông qua sự trợ giúp của nền tảng trực tuyến. Qua đó, các doanh nghiệp non trẻ vừa huy động được vốn, vừa tận dụng được cơ hội để quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm của mình [4]. Ngoài ra, ECF còn mang lại lợi ích phi vật chất có giá trị cho các DNKNST, giúp cho họ hiểu hơn về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng thông qua những phản hồi, ý kiến từ cộng đồng về dự án của mình trên các diễn đàn của nền tảng huy động vốn mà họ tham gia [5].

Đối với NĐT: ECF cung cấp cho các NĐT cơ hội đầu tư mới với số tiền đầu tư nhỏ và tạo điều kiện cho NĐT đa dạng hóa danh mục đầu tư. Ngoài ra, NĐT cũng có thể dựa vào kiến thức, quan điểm và thông tin từ “trí tuệ đám đông” thông qua các diễn đàn trên nền tảng để đánh giá tiềm năng của các công ty mục tiêu trước khi đầu tư [6].

Ở góc độ vĩ mô: với những lợi ích mang lại cho các DNKNST, NĐT và các bên liên quan khác, ECF có khả năng đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia trong dài hạn. Việc thúc đẩy hình thức gọi vốn cộng đồng dưới dạng tài chính thay thế này sẽ góp phần tạo nên sự đa dạng cho các ngành công nghiệp của một quốc gia vì các ngành mới nổi sẽ có khả năng phát triển nhờ được tiếp cận nguồn vốn tốt hơn. Khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng được nâng cao, góp phần tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Qua đó, ECF có thể thúc đẩy sự đổi mới và tạo nên một nền kinh tế với cơ sở công nghiệp đa dạng, giúp tạo ra nhiều cơ hội việc làm

image