NHIỀU ĐIỂM SÁNG GIÁO DỤC TỈNH ĐIỆN BIÊN

Bình luận · 87 Lượt xem

NDO - Tỉnh Điện Biên Phủ có 362/463 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2022 và năm 2023 đều đạt hơn 99,2%. Chỉ tiêu huy động dân số trong độ tuổi đến trường những năm gần đây trong nhóm dẫ

 
Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non từng bước được nâng lên.
 

NỖ LỰC VƯỢT KHÓ

Những năm qua, giáo dục mầm non  được quan tâm từ đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, đào tạo đội ngũ giáo viên đến huy động trẻ đến trường. Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục từng bước được nâng lên, 100% trường mầm non tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, cân, đo và theo dõi sức khoẻ cho trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng.
 

Người dân xã Thanh Luông, huyện Điện Biên sống bằng nghề nông, nhiều phụ huynh đi làm ăn xa, để con ở nhà với ông bà, thời gian dạy dỗ không nhiều nên chủ yếu trông cậy vào cô giáo chăm sóc, rèn dạy ở trường. Các bé thông minh, kháu khỉnh là nguồn động viên, xua tan nỗi vất vả, mệt nhọc của các cô.
 

Hiệu trưởng trường mầm non Thanh Luông Cao Thị Thời bộc bạch, trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2,  giáo viên được tập huấn, cập nhật kiến thức mới, kỹ năng dạy, chăm trẻ, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm đổi mới phương pháp giáo dục, tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 100%.
 

Trường phòng Giáo dục huyện Điện Biên Đặng Quang Huy cho biết toàn huyện có 303 nhóm/lớp mầm non, huy động gần 7.000 trẻ tới lớp. Xác định lấy trẻ làm trung tâm, các trường đánh giá theo ngày, chủ đề, cuối độ tuổi/giai đoạn, bảo đảm chế độ sinh hoạt cho trẻ. Các bé người dân tộc thiểu số sớm làm quen với tiếng Việt ở trường mẫu giáo tạo nền tảng vững chắc, khi lên lớp 1 đỡ bỡ ngỡ, học tiểu học giao tiếp tốt, ngày càng dạn dĩ, nhận thức tốt hơn.
 

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở nhiều trường được đầu tư, nâng cấp.
 

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các trường khu vực đặc biệt khó khăn với các vùng thuận lợi. Tại một số xã vùng cao, vùng xa địa bàn rộng, nhiều điểm trường xa trung tâm, giao thông không thuận lợi, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Quy mô học sinh tăng phát sinh nguy cơ thiếu phòng học, nhiều trường cơ sở vật chất được đầu tư đã lâu, giờ xuống cấp.
 

Huyện Tần Giáo còn 18 bản chưa có điện lưới quốc gia nên không được tiếp cận các thiết bị dạy học hiện đại, việc ăn nghỉ, đi lại của giáo viên rất khó khăn. Thầy Nguyễn Phúc Đồng, Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Ta Ma chia sẻ trường bố trí giáo viên lớp 1 là người địa phương, dạy bằng cả tiếng dân tộc và tiếng Kinh. Vất vả nhưng các thầy cô luôn nỗ lực vượt khó bám trường bám lớp, học hỏi nâng cao chất lượng chuyên môn, nhiều người là giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
 

Quê ở Lạc Sơn (Hoà Bình), cô giáo Bùi Thị Cẩm Chính đã 14 năm gắn bó với trường, 3 lần đoạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 5 năm liên tục là Chiến sĩ thi đua cơ sở. Cô giáo dạy dễ hiểu, dồn hết tâm huyết, tình thương cho trò, học sinh lớp 5a3 yêu quý cô như người mẹ thứ hai.
 

Thầy Giàng A Nếnh dạy lớp ghép 1+2 tại điểm trường Phiêng Cải cách trung tâm xã 12km, mùa khô thiếu nước sinh hoạt, mùa đông lạnh giá. Học sinh toàn là người dân tộc Mông, thầy kiên trì chỉ dạy tỉ mỉ, thường xuyên khen ngợi khích lệ các em hứng khởi học bài.
 

Một tiết học tại trường THPT Lương Thế Vinh (liên cấp 2, cấp 3.

 

Giáo dục phổ thông có nhiều bước chuyển tích cực bởi nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, duy trì số lượng học sinh và nâng cao chất lượng; tích hợp lồng ghép các nội dung dạy học với các hoạt động trải nghiệm để tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Cơ sở trường lớp, trang thiết bị dạy học được đầu tư, nâng cấp; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với nhà giáo và học sinh.
 

Cùng với hỗ trợ của Nhà nước, việc đẩy mạnh huy động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ giúp học sinh vơi bớt phần nào gian khó. Nhờ Quỹ trò nghèo vùng cao, Dự án nuôi em, nhiều học sinh được ăn bán trú tại trường, các công trình bếp ăn, phòng học, nhà công vụ, nhà nội trú, nhà vệ sinh được xây mới, những món quà như áo ấm, quần áo, giày dép, sách vở… lan tỏa tinh thần tương thân tương ái.
 

Đội ngũ giáo viên thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao năng lực sư phạm, tích cực đổi mới phương pháp, kĩ thuật dạy học, linh hoạt tổ chức các hoạt động giáo dục và xây dựng kế hoạch bài dạy nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, tổ chức phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu.
 

Mỗi thầy, cô giáo phấn đấu là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo. Ngay cả thời điểm dịch Covid-19, thầy trò cùng nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin triển khai dạy học trực tuyến, chất lượng giáo dục được giữ vững.
 

Tỉnh nghèo, xa xôi, cùng với nguồn lực đầu tư của tỉnh, Sở chủ động đề xuất Bộ giáo dục và Đào tạo hỗ trợ về chuyên môn, tổ chức tập huấn, giúp đỡ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Dù kinh phí hạn hẹp, Sở Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm động viên để đội ngũ giáo viên yên tâm cống hiến như khen thưởng kịp thời, biểu dương gương người tốt việc tốt, quan tâm hỗ trợ các thầy, cô mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn… Năm 2023, Sở đề xuất hơn 40 giáo viên là nhà giáo ưu tú.
 

Cô giáo Bùi Thị Cẩm Chính trong một giờ dạy tại trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Ta Ma.
 
Hai năm qua, tỉnh dồn lực nâng cao chất lượng giáo dục trung học cơ sở. So với mặt bằng chung toàn quốc, trình độ tiếng Anh của học sinh Điện Biên thấp hơn, kể từ khi thi tuyển sinh vào lớp 10 có môn tiếng Anh nên các trường tăng cường dạy và học, chất lượng dần nâng lên. Tuy nhiên, tỉnh đang thiếu nguồn tuyển giáo viên các môn chuyên biệt và tiếng Anh vẫn còn là bài toán nan giải.
 

QUAN TÂM GIÁO DỤC MŨI NHỌN

 Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo Nguyễn Văn Đoạt cho biết cùng với tập trung phát triển giáo dục dân tộc, Điện Biên chú trọng giáo dục mũi nhọn. Gần 30 năm trước, tỉnh đã thành lập trường năng khiếu, đầu tư đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất khang trang. Kết quả thi học sinh giỏi các môn văn hóa, các cuộc thi, hội thi cấp quốc gia có nhiều tiến bộ.
 

Từ năm 2013 đến năm 2023, tỉnh Điện Biên có 158 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia. Trưởng Phòng Giáo dục huyện Tuần Giáo Đỗ Văn Sơn hồ hởi chia sẻ, huyện duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; THCS mức độ 2, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt gần 90%, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được chuẩn hóa. Giáo dục đại trà được nâng lên, chất lượng giáo dục mũi nhọn được khẳng định qua các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, các cuộc thi trên internet.
 

Năm học 2022-2023, toàn huyện có 162/362 học sinh dự thi học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9 cấp huyện đạt giải, 57/86 học sinh dự thi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, 3 dự án tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh đều đoạt giải.

 Từ năm 2013 đến năm 2023, tỉnh Điện Biên có 158 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia.
 

Thầy Hoàng Văn Thông, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (thành phố Điện Biên Phủ) phấn khởi cho biết, năm học vừa qua nhà trường có 136 học sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi tỉnh các môn văn hóa và giải toán trên máy tính cá nhân, cấp quốc gia có 1 giải triển vọng nghiên cứu khoa học kỹ thuật; 1 huy chương Bạc thi IOE; 1 huy chương Vàng, 2 huy chương Đồng, 3 giải Khuyến khích thi Violympic toán
 

Sở Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện cho các trường THPT chủ động xây dựng chương trình giáo dục căn cứ yêu cầu của Bộ, phù hợp đặc thù và đối tượng học sinh. Nhà trường định hướng mô hình chất lượng cao, giáo dục hiện đại, học sinh được phát huy năng lực bản thân, cởi mở tiếp cận cái mới, chủ động tích lũy kiến thức và vận dụng giải quyết vấn đề phát sinh, tích cực tham gia hoạt động cống hiến vì cộng đồng xã hội, theo đúng câu slogan “suy nghĩ tích cực, hành động thông minh, sống có trách nhiệm”.
 

Cơ chế kiểm tra, đánh giá linh hoạt, qua cả bài kiểm tra trên lớp và bài tập nhóm, thực hiện chương trình, kế hoạch, khích lệ học sinh sử dụng công nghệ thông tin vào học tập, trau dồi tiếng Anh.
 

Trên cơ sở nguyện vọng học sinh đăng ký theo năng lực, định hướng chọn trường ở bậc đại học, nhà trường phân lớp, xây dựng hệ thống bài tập phù hợp trình độ đối tượng học sinh, tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh, thi thử nhiều lần cho học sinh lớp 12 để kịp thời điều chỉnh, bồi dưỡng kiến thức nhằm phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia.
 

Phát huy ưu thế là trường liên cấp, giáo viên gắn bó với học sinh từ cấp 2 nên có nhiều thời gian kèm cặp, giáo dục kỹ năng sống, trường cũng tổ chức nhiều hoạt động tập thể như giải thể thao, hội xuân, sân chơi Hoa trạng nguyên, tìm hiểu văn hóa, lịch sử nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn…qua đó học sinh được rèn giũa kỹ năng, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo.
 

Cô trò trường mầm non xã Thanh Luông.
 

Với mục tiêu phấn đấu 100% các môn dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia có giải, số lượng và chất lượng giải chuyển biến tích cực sau các năm, có học sinh được dự thi vòng 2 Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế, ngành giáo dục Điện Biên quan tâm về cơ chế, chế độ chính sách đãi ngộ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và học sinh trường chuyên cũng như đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, đào tạo chuyên sâu 10 môn tại trường THPT chuyên của tỉnh.
 

Cùng với đó, tiếp tục xây dựng, phát triển, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trường chuyên, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện để trường chuyên Lê Quý Đôn tuyển sinh được những học sinh tốt nhất trong các lĩnh vực trong toàn tỉnh.
 

Bình luận