Tại hội thảo Giải bài toán phát triển giao thông đô thị sáng 22/5, TS Vũ Hồng Trường cho biết sau gần 3 năm vận hành, tàu điện Cát Linh - Hà Đông thu hút đông đảo người dân, mỗi ngày có 35.000 hành khách. Trong đó 47% là người đi làm, 45% là người đi học và 8% đi lại với các mục đích khác.
Nếu như thời gian đầu, hành khách chủ yếu muốn trải nghiệm phương tiện đi lại mới, người đi làm vắng vẻ thì nay người đi thường xuyên bằng vé tháng chiếm 70%. Giai đoạn đầu, người dân chủ yếu sử dụng xe cá nhân để tiếp cận nhà ga, còn hiện nay đã chấp nhận đi bộ, sử dụng xe buýt.
Cũng theo ông Trường, thời gian đầu hành khách có những hành vi chưa đẹp như ăn mặc không đúng mực, vứt rác bừa bãi, nói chuyện ồn ào, không nhường ghế cho người già, trẻ em, thậm chí có người bỏ vé vào khe vé khiến hỏng thiết bị. Đến nay, hành khách đã chấp hành đúng nội quy đi tàu, ứng xử đúng mức.
Dẫn nghiên cứu quốc tế, ông Trường nói cứ một triệu chuyến di chuyển bằng xe cá nhân, khi chuyển sang đường sắt đô thị sẽ giảm được 487.000 giờ tham gia giao thông trên đường, giảm khoảng 100 tấn phát thải khí CO, HC và NOx. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy ô nhiễm không khí gây thiệt hại về kinh tế hàng năm chiếm 5-7% GRDP của Việt Nam.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13 km đi trên cao qua 12 nhà ga. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, chở được 960 người, tốc độ tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác 35 km/h. Thời gian đoàn tàu di chuyển toàn tuyến hết 23 phút.
Hiện giá vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông thấp nhất 8.000 đồng một lượt, tối đa 15.000 đồng nếu đi toàn tuyến. Giá vé ngày (không giới hạn lượt di chuyển) là 30.000 đồng một người, vé tháng giá 200.000 đồng cho khách phổ thông và 100.000 cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.
Năm 2023, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận hành hơn 81.000 lượt, vận chuyển 10,7 triệu lượt khách, tăng 31% so với cùng kỳ 2022.