Tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn kỳ họp thứ 7, Bộ Công Thương cho biết đang nghiên cứu một số giải pháp để quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.
Trong đó, Bộ Công Thương dự kiến bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các website, ứng dụng thương mại điện tử.
Cùng đó, quản lý, giám sát, giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử dự kiến sẽ phân cấp, quyền cho các địa phương. Trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian hỗ trợ như logistics, ISP, dịch vụ tiếp thị liên kết, quản lý mạng xã hội có hoạt động thương mại điện tử cũng được xem xét bổ sung.
Thực tế, đề xuất xác định danh tính người bán hàng trên mạng từng được nhắc tới nhiều lần trước đó.
Tháng 5/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có chỉ thị tăng kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử. Bộ Công Thương được giao sửa quy định về quản lý thương mại điện tử, thực hiện tích hợp tài khoản định danh điện tử, ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip hoặc dữ liệu dân cư để xác thực chủ thể hoạt động thương mại điện tử.
Lãnh đạo Chính phủ cũng giao Bộ Công an hoàn thiện quy định liên quan đến trách nhiệm quản lý về thương mại điện tử, trong đó nghiên cứu sử dụng định danh xác thực điện tử trong các giao dịch thương mại điện tử.
Giới chuyên môn cho rằng quy định này giúp ngăn ngừa rủi ro cho khách hàng, nhưng cũng không làm khó doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh chân chính. Song, quá trình xác định danh tính cần có sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn truyền thông, công an.
Năm ngoái, thương mại điện tử đạt tốc độ tăng trưởng 25%, xếp vào nhóm 5 quốc gia tăng trưởng hàng đầu thế giới. Bộ Công Thương dự báo, lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan.
Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử đang ngày càng có tác động lớn, đặc biệt đối với nhóm đối tượng trẻ, người cao tuổi, người dân sinh sống ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng xa. Điều này cũng làm phát sinh một số hệ lụy tiêu cực như vấn đề lừa đảo trên không gian mạng, "nghiện mua hàng".
Trong khi, tình trạng hàng giả, kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn phức tạp, theo Bộ Công Thương.
Năm ngoái, Chính phủ duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Mục tiêu đề ra 100% các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả, 100% tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến về quy định, quyền lợi của người tiêu dùng.
Cùng đó, cơ quan quản lý cũng thường xuyên theo dõi, giám sát, phát hiện, xử lý các vi phạm thông qua bán hàng online, livestream. Năm 2023, các sàn, website phải gỡ bỏ, khóa gần 6.300 gian hàng với 23.400 sản phẩm vi phạm. Lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng.
Nhiều vụ việc bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội bị triệt phá, như Ansan Cosmetics - TP HCM (thu giữ 7.700 sản phẩm); TS Việt Nam - Hà Nội (thu giữ 14.000 sản phẩm, trị giá 11 tỷ đồng); Menshop79 – Hà Nội (2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton giá trị hơn 20 tỷ đồng); Vụ Bản – Nam Định (thu giữ gần 30.000 sản phẩm nhái nhãn hiệu Hermès).
Nguồn: Báo VNEXPRESS